Quyển sách mang lại một cái nhìn tổng quan về những vấn đề thuộc nữ học, giúp phụ nữ thay đổi về nhận thức, điều chỉnh về hành vi khi xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ cận hiện đại. Những vấn đề Đạm Phương nữ sử đặt ra là những vấn đề giáo dục thiết thực đối với phụ nữ. Những sáng tác văn chương của Đạm Phương nữ sử lồng ghép rất khéo những tư tưởng về vấn đề nữ học, giúp mở rộng nhãn quan của phụ nữ bấy giờ về việc tự do kết hôn, giáo dục gia đình. Đặt Đạm Phương nữ sử với quan niệm và hiện thực về giới nữ, dễ thấy được bản lĩnh văn hóa của bậc nữ lưu trước những đối kháng gay gắt của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Trong những năm 1920 – 1930, Việt Nam bước đầu tiếp nhận văn hóa phương Tây, người phụ nữ được quan tâm đến học thức, những bài viết của Đạm Phương đăng trên các báo, đã có nhiều đóng góp và giữ vị trí nổi bật trong lịch sử tiếp cận vấn đề phụ nữ, nữ tính và nữ quyền ở nước ta. Các bài viết của bà quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục người phụ nữ: “Nay sự học vấn của con gái là cốt để bổ ích thêm trí thức tư tưởng cho con người biết lo xa, nghĩ rộng, khỏi bị mê hoặc, ám muội như trước”.
Vấn đề về phẩm hạnh, về chữ “trinh” cũng đặc biệt được Đạm Phương bàn đến trong rất nhiều bài viết của bà: “người đàn bà cốt phải có đức hạnh làm bản, nghĩa ấy dù có thiên cổ bất dịch, không những từ đây về trước đã thế, nhưng dầu cho muôn ức nghìn năm nữa về sau, cũng không có thể thay đổi bao giờ”; “người đàn bà phải giữ chữ trinh cũng như người đàn ông phải giữ chữ trung vậy”.
Kính mời quý bạn đọc tiếp tục lần giở từng trang sách “Đạm phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta”, để có thêm những thông tin quý giá về những quan niệm của xã hội về nhân phẩm, giáo dục, tri thức của người phụ nữ trong những năm đầu thế kỷ XX, qua đó thêm trân trọng và giữ gìn những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà thế hệ phụ nữ năm xưa đã lưu truyền cho đến hôm nay.
Nhân kỉ niệm 109 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Thư viện tỉnh Sóc Trăng trân trọng giới thiệu.
Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta/ Đoàn Ánh Dương giới thiệu và tuyển chọn. - H. : Phụ nữ, 2017. - 678 tr. ; 24 cm
Chỉ số phân loại: 305.4209597/ Đ 104 PH
Kho đọc: VL.018364
Kho mượn: PM.032499; PM.032500
Tác giả: Ngọc Tú